Hotline 247
04 6662 6362
 
Hà Nội
0968 378 899
 
Hồ Chí Minh
01289 777 888

Vắc xin ung thư - Phần 2

BioMedia

Xem thêm phần 1: Vắc xin ung thư - Phần 1

Hình 1: Các bước phát triển của một phản ứng miễn dịch tế bào chống lại các kháng nguyên khối u liên kết.

Nguồn ảnh: http://www.nature.com/nrclinonc/journal/v11/n9/full/nrclinonc.2014.111.html

Vắc xin ung thư được sản xuất như thế nào?

Tất cả các loại vắc xin phòng ngừa ung thư được FDA chấp thuận cho đến nay đều sử dụng các kháng nguyên từ virus gây ra hoặc góp phần vào sự phát triển của khối u. Chúng là các kháng nguyên từ HBV và các loại cụ thể của HPV. Đây là các protein tạo nên bề mặt ngoài của virus. Do chỉ có một phần của những virus được sử dụng, nên các loại vắc xin không lây nhiễm và không thể gây bệnh.

Các nhà nghiên cứu cũng đang tạo ra phiên bản tổng hợp của kháng nguyên trong phòng thí nghiệm để sử dụng trong vắc xin phòng bệnh ung thư. Để làm được điều này, họ thường thay đổi cấu trúc hóa học của các kháng nguyên để kích thích phản ứng miễn dịch mạnh hơn phản ứng do kháng nguyên gốc gây ra.

Tương tự như vậy, vắc xin điều trị ung thư sử dụng các kháng nguyên liên kết ung thư hoặc những phiên bản đã được thay đổi (dạng biến tính) của chúng. Đến nay, kháng nguyên đã được sử dụng bao gồm protein, carbohydrate (đường), glycoprotein và glycopeptide (tổ hợp carbohydrate-protein), và gangliosides (tổ hợp carbohydrate-lipid).

Vắc xin điều trị ung thư cũng đang được phát triển bằng cách sử dụng các tế bào ung thư bị suy yếu hoặc đã chết mang một kháng nguyên liên kết ung thư đặc hiệu, hoặc các tế bào miễn dịch được thay đổi để giống như một kháng nguyên trên bề mặt của chúng. Những tế bào này có thể của chính bệnh nhân (gọi là vắc xin tự thân, chẳng hạn như với sipuleucel-T) hoặc từ một bệnh nhân khác (gọi là vắc xin đồng loại).

Một số vắc xin ung thư dùng trong bệnh giai đoạn cuối sử dụng virus, nấm men, vi khuẩn làm chất vận tải (chất mang – vật chủ trung gian) cung cấp một hoặc nhiều kháng nguyên vào cơ thể. Các vật chủ trung gian có thể tạo miễn dịch tự nhiên (có nghĩa là chúng có thể kích thích một phản ứng miễn dịch) nhưng được thay đổi để chúng không thể gây bệnh.

Các loại vắc xin điều trị ung thư đang được phát triển sử dụng các phân tử ADN hoặc ARN có chứa gen di truyền đối với các kháng nguyên liên kết ung thư. ADN hoặc ARN có thể được tiêm trực tiếp vào bệnh nhân tạo thành một vắc xin "axit nucleic trần", hoặc có thể được cấy trên một loại virus vô hại. Sau khi các axit nucleic trần hoặc virus được tiêm vào cơ thể, ADN hoặc ARN sẽ vào các tế bào và bắt đầu sản xuất các kháng nguyên khối u. Các nhà nghiên cứu hy vọng rằng các tế bào sẽ tạo đủ kháng nguyên liên kết khối u để kích thích một phản ứng miễn dịch mạnh.

Một số kháng nguyên liên kết ung thư khác cũng đang được thực nghiệm để sử dụng làm vắc xin điều trị ung thư. Một số các kháng nguyên được tìm thấy trên hoặc trong hầu hết các loại tế bào ung thư. Một số khác lại đặc trưng với từng loại ung thư cụ thể (1, 5, 6, 13, 16-19).

Tá dược nào được sử dụng cùng vắc xin ung thư?

Chất được thêm vào vắc xin để tăng cường khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch chống ung thư được gọi là tá dược.

Tá dược sử dụng cho các loại vắc xin ung thư đến từ nhiều nguồn khác nhau. Các tá dược đó có thể là các vi khuẩn như vi khuẩn Bacillus Calmette-Guérin (BCG), các chế phẩm từ vi khuẩn như Detox B, hoặc chế phẩm sinh học khác chẳng hạn như KLH (keyhole limpet hemocyanin) – là một loại protein lớn do một loài nhuyễn thể biển sản xuất. Ngoài ra, một số thuốc sinh học như chất nhũ hóa dầu trong nước ISA-51 cũng được sử dụng làm tá dược. Cytokine tự nhiên hay tổng hợp cũng có thể được dùng làm chất tá dược. Cytokine tự nhiên là những chất được tạo ra bởi các tế bào máu trắng để điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Một số cytokine tăng hoạt động của các tế bào B và tế bào sát thủ T, trong khi các cytokine khác lại ngăn chặn hoạt động của các tế bào này. Cytokine thường xuyên được sử dụng trong vắc xin điều trị ung thư hoặc dùng cùng với chúng bao gồm interleukin 2 (IL2, còn được gọi là aldesleukin), interferon alpha, và yếu tố kích thích quần thể bạch cầu hạt và đại thực bào (GM-CSF, còn được gọi là sargramostim).

Vắc xin ung thư có tác dụng phụ không?

Trước khi vắc xin được cấp phép, thì nó phải được  FDA kết luận là an toàn và hiệu quả. Vắc xin phòng ngừa hoặc điều trị bệnh ung thư có độ an toàn tương đương với các loại vắc xin khác. Tuy nhiên, tác dụng phụ của vắc xin ung thư có thể khác nhau tùy từng người.

Các tác dụng phụ thường gặp nhất của vắc xin ung thư là tình trạng viêm ở chỗ tiêm với các triệu chứng đỏ tấy, đau, ngứa, và đôi khi phát ban.

Đôi khi người ta có những triệu chứng giống như bị cúm sau khi tiêm như sốt, ớn lạnh, suy nhược, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau cơ, mệt mỏi, đau đầu và khó thở. Huyết áp cũng có thể bị ảnh hưởng. Những tác dụng phụ thường chỉ kéo dài một thời gian ngắn do cơ thể đang phản ứng với chủng thuốc và tạo phản ứng miễn dịch, như khi tiếp xúc với virus.

Một số ít người sau khi tiêm gặp phải những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên những vấn đề này có thể không phải chủng thuốc gây ra. Các vấn đề gặp phải là hen suyễn, viêm ruột thừa, viêm vùng chậu, và các bệnh tự miễn dịch nhất định như viêm khớp và bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

Vắc-\ xin sử dụng các tế bào, virus cũng có thể có tác dụng phụ. Ví dụ, các tác dụng phụ nghiêm trọng của sipuleucel- T là nhiễm trùng gần chỗ tiêm và có máu trong nước tiểu.

Vắc xin cũng giống như các thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, chúng có thể gây ra các tác dụng phụ đe dọa tính mạng. Ví dụ, đối với người quá mẫn cảm (dị ứng) với các thành phần vắc xin. Tuy nhiên, rất hiếm xảy ra các trường hợp như vậy.

Vắc xin điều trị có thể kết hợp với các thuốc điều trị ung thư khác không?

Có. Trong rất nhiều thử nghiệm lâm sàng, vắc xin điều trị ung thư đang được  kết hợp với các hình thức điều trị ung thư khác. Liệu pháp đã được kết hợp với các loại vắc xin điều trị ung thư bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, và một số hình thức của liệu pháp điều trị nhằm thúc đẩy phản ứng của hệ miễn dịch chống lại bệnh ung thư.

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng vắc xin điều trị ung thư có hiệu quả nhất khi được kết hợp với các hình thức khác của việc điều trị ung thư. Các nghiên cứu tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh rằng phương pháp xạ trị có thể nâng cao hiệu quả của vắc xin điều trị ung thư. Ngoài ra, trong một số thử nghiệm lâm sàng khác, vắc xin điều trị ung thư cũng tăng tính hiệu quả của phương pháp điều trị.

Các bằng chứng khác cho thấy việc phẫu thuật cắt bỏ khối u lớn có thể làm tăng hiệu quả của vắc-xin điều trị ung thư. Ở những bệnh nhân nặng, hệ miễn dịch có thể bị các khối u áp đảo. Phẫu thuật cắt bỏ khối u có thể giúp cơ thể phát triển phản ứng miễn dịch hiệu quả

Các nhà nghiên cứu cũng đang thiết kế các thử nghiệm lâm sàng để trả lời các câu hỏi như liệu vắc xin điều trị ung thư làm việc tốt nhất khi chúng được dùng trước, sau hay cùng lúc như phương pháp điều trị khác. Câu trả lời không chỉ cung cấp thông tin về cách tốt nhất để sử dụng vắc xin điều trị ung thư cụ thể mà còn cho thấy nguyên tắc cơ bản để định hướng các phương pháp điều trị kết hợp liên quan đến vắc xin trong tương lai.

Hình 2: Vắc xin tế bào ung thư GM-CSF và sự phong tỏa kháng thể CTLA-4 cho thấy tác dụng kháng u hiệp đồng.

Nguồn ảnh: http://www.nature.com/nrc/journal/v4/n1/fig_tab/nrc1252_F4.html

Cần nghiên cứu thêm những vấn đề gì để nâng cao khả năng của vắc xin điều trị ung thư?

Tiến bộ mới trong việc tìm hiểu làm thế nào các tế bào ung thư thoát khỏi sự nhận biết và tấn công của hệ miễn dịch đang đem lại cho các nhà nghiên cứu các kiến thức cần thiết để điều chế loại vắc xin điều trị ung thư có thể đạt được cả hai mục tiêu.

Hai lĩnh vực chính của nghiên cứu nhằm mục đích giải quyết vấn đề này. Một là liên quan đến việc xác định các kháng nguyên liên kết ung thư, hay kháng nguyên ung thư (neoantigens), có thể hiệu quả hơn trong việc kích thích phản ứng miễn dịch so với các kháng nguyên đã được biết đến. Ví dụ, kết quả thử nghiệm lâm sàng sử dụng vắc xin neoantigen tự thân với kháng nguyên đột biến có thể tạo ra vắc xin điều trị cho bệnh nhân bị u nguyên bào xốp và u ác tính. Hai là, phát triển các phương pháp tăng cường khả năng của các kháng nguyên liên kết ung thư để kích thích phản ứng miễn dịch. Ba là nghiên cứu xác định làm thế nào để kết hợp nhiều kháng nguyên trong một vắc xin điều trị ung thư để tạo ra phản ứng miễn dịch chống ung thư tối ưu.

Nâng cao sự hiểu biết của chúng ta về sự tương tác sinh học cơ bản giữa  tế bào miễn dịch và các tế bào ung thư là rất quan trọng cho việc phát triển vắc xin ung thư. Những nỗ lực nghiên cứu góp phần tạo ra các công nghệ mới nhằm quan sát hiện tượng này. Ví dụ, công nghệ hình ảnh mới cho phép các nhà nghiên cứu quan sát tế bào sát thủ T và các tế bào ung thư tương tác bên trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cũng đang cố gắng để xác định các cơ chế mà các tế bào ung thư trốn tránh, ngăn chặn những phản ứng miễn dịch chống ung thư. Một sự hiểu biết tốt hơn về cách tế bào ung thư thao tác hệ miễn dịch có thể dẫn đến sự phát triển của loại thuốc ngăn chặn các quá trình, qua đó nâng cao hiệu quả của vắc-xin điều trị ung thư.

Ví dụ, một số tế bào ung thư sản xuất tín hiệu hóa học mà thu hút các tế bào máu trắng gọi là tế bào T điều hòa, hoặc regs T, đến xung quanh khối u. Tế bào T điều hòa sẽ giải phóng các cytokine ức chế hoạt động của các tế bào T sát thủ lân cận. Sự tổ hợp của vắc-xin điều trị ung thư với một loại thuốc có thể ngăn chặn sự bất hoạt của tế bào T sát thủ có thể nâng cao hiệu quả của vắc xin trong việc tạo tế bào T sát thủ đủ mạnh kháng u.

Các chất điều hòa kiểm soát miễn dịch cũng có thể cải thiện hiệu quả của vắc-xin ung thư. Những chất điều hòa nhắm mục tiêu đến cơ chế điều tiết miễn dịch được các tế bào ung thư sử dụng để tránh bị phá hủy, một trong đó là các protein kiểm soát miễn dịch như PD-1, được thể hiện trên bề mặt của các tế bào T. Liên kết của các PD1 với loại protein đối tác cụ thể (hay các ligand – phối tử), được gọi là PD-L1 và PD-L2, trên bề mặt của một số tế bào bình thường hoặc các tế bào ung thư tạo ra một tín hiệu "tắt" với các tế bào T nhằm không tạo phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào đó. (Liên kết này giữ cho hệ miễn dịch không phản ứng thái quá đối với các tế bào bình thường và ngăn ngừa tự miễn dịch). Một số tế bào ung thư có liên kết PD-L1 ở mức độ cao, làm cho các tế bào T bị ức chế (đóng lại) và giúp các tế bào ung thư trốn tránh sự phá hủy của hệ miễn dịch. Các kháng thể ngăn chặn liên kết của protein kiểm soát miễn dịch với ligand của nó trên tế bào ung thư sẽ loại bỏ tín hiệu  “tắt” ra và cho phép phản ứng miễn dịch chống lại các tế bào ung thư.

Nhiều kháng thể đã được FDA chấp thuận để điều trị một số bệnh ung thư cụ thể và có những hứa hẹn trong điều trị các ung thư khác. Bởi vì các kháng thể này cho phép các tế bào T chống ung thư có hiệu quả hơn, người ta hi vọng nó sẽ nâng cao hiệu quả của vắc-xin ung thư.  Hiện nay các nhà nghiên cứu đang tiếp tục thử nghiệm trên động vật và thử nghiệm lâm sàng  bằng cách tổ hợp một vắc xin  với PD1 và PD-L1.

Một số loại vắc xin được chế tạo để điều trị bệnh ung thư cụ đang được phát triển. Bao gồm các loại vắc-xin tế bào đuôi gai cho di căn ung thư biểu mô tế bào thận, u nguyên bào xốp, và ung thư tuyến tiền liệt di căn kháng hormone; vaccine tế bào ung thư tự thân cho bệnh ung thư đại trực tràng và u lympho nang; vắc xin kháng thể anti-idiotype cho u lympho và một số khối u rắn; vắc xin thiết kế để kích thích phản ứng miễn dịch chống lại các kích thích tố cần thiết cho sự phát triển và tồn tại của khối u ác tính đường tiêu hóa; vắc xin đồng loại ung thư phổi; và một vắc xin ADN cho ung thư vú di căn.

Loại vắc xin ung thư nào đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng?

Danh sách dưới đây là các bệnh ung thư đang là mục tiêu trong hoạt động phòng chống ung thư bằng vắc xin của Viện Nghiên Cứu Ung Thư Hoa Kỳ (NCI). Đây là các bệnh ung thư đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng của NCI.

Các thử nghiệm lâm sàng của vắc xin điều trị ung thư bao gồm:

  • Ung thư bàng quang
  • U não
  • Ung thư vú
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư ruột kết
  • Hodgkin Lymphoma
  • Ung thư thận
  • Leukemia
  • Ung thư phổi
  • Melanoma
  • Nhiều Myeloma
  • Non-Hodgkin Lymphoma
  • Bệnh ung thư buồng trứng
  • Bệnh ung thư tuyến tụy
  • Ung thư tuyến tiền liệt
  • Các khối u rắn

Các thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng ngừa ung thư bao gồm:

  • Ung thư cổ tử cung
  • Các khối u rắn

(hết)

Nguồn: http://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/vaccines-fact-sheet

Dịch giả: Nguyễn Thị Hoài

Biên soạn BioMedia VN

Các bài viết cùng chủ đề

Vắc xin ung thư - Phần 2

Xem thêm phần 1: Vắc xin ung thư - Phần 1 Hình 1: Các bước phát triển của một phản ứng miễn dịch tế bào...